Trong
cuộc sống vợ chồng, khó tránh khỏi những lúc làm cho người kia không hài lòng. Điều này có thể xuất phát từ khuyết điểm, lỗi lầm của một trong hai người, cũng có thể chỉ là sự khác biệt về tính cách, hoặc chỉ là người này không làm theo ý người kia.
Trong tình hình này, thông cảm và bỏ qua cho nhau là biện pháp tốt nhất để điều hòa
mối quan hệ vợ chồng. Thông cảm và bỏ qua thực tế là một loại điều hòa thích hợp tâm lý của chính mình, thông qua đó hóa giải những căng thẳng,
giải quyết mâu thuẫn hoặc xung đột có thể xảy ra giữa hai vợ chồng.
Để đạt tới độ hiểu và thông cảm cho nhau, luôn giữ được hòa khí trong gia đình, bạn cần kiên nhẫn thực hiện theo 5 nguyên tắc sau đây:
1. Nhìn nhận khuyết điểm của vợ hay chồng mình một cách chính xác
Nếu người bạn đời có những việc làm cho bạn không vui, không vừa lòng thì bạn hãy nghĩ rằng: Đó có thực sự là khuyết điểm không? Là người, ai chẳng có khuyết điểm, mình không nên nổi cáu mà phải nói chuyện với anh ấy xem sao, rồi khuyên anh ấy sửa chữa.
Nếu đây không phải là khuyết điểm, chỉ là không làm theo ý mình thôi, vậy thì cứ để cho anh ấy làm có sao đâu. Anh ấy có nhân cách độc lập, có suy nghĩ riêng, tại sao mình lại cứ đòi hỏi anh ấy phải theo ý mình, và không chắc lúc nào ý của mình cũng là đúng nhất.
Hoặc tự đặt ra những câu hỏi rồi tự trả lời, ví dụ: “Tại sao anh ấy lại làm như vậy?”, “Việc này anh ấy đáng trách lắm, nhưng bực tức, trách móc có tác dụng gì không? Còn có cách nào tốt hơn không?”...
2. Tìm ra những ưu điểm của người bạn đời
Luôn cổ vũ động viên, luôn tìm ra những điểm tích cực, hậu quả sẽ hay hơn nhiều.
Có người vợ, trong con mắt của mình lúc nào cũng thấy chồng toàn là khuyết điểm, thường trách mắng chồng khiến quan hệ vợ chồng rất căng thẳng, ngột ngạt. Một lần chị đến gặp chuyên gia tâm lý xin ý kiến, chuyên gia này khuyên chị: “Trong 3 tuần, ngày nào cũng tìm ra 1 ưu điểm nhỏ của chồng và hãy khen anh ta”.
Lúc mới bắt đầu, chị cảm thấy rất khó khăn. Chị miễn cưỡng tìm được 1 ưu điểm của chồng rồi khen ngợi anh khiến người chồng mình cảm thấy như mình được vợ yêu chiều. Về sau, càng tìm chị càng phát hiện ra: “Sao chồng mình có nhiều ưu điểm như vậy mà trước đây mình không hề nhận thấy nhỉ?”.
Sau 3 tuần, cách nhìn của chị về người chồng đã thay đổi hẳn, nhờ đó người chồng cũng thay đổi thái độ và hành vi theo hướng tích cực,
quan hệ vợ chồng dần dần trở nên hòa hợp.
3. Có lòng khoan dung, độ lượng
Không nên so đo, xét nét những việc nhỏ trong sinh hoạt, phải học cách “cười xòa”. Nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, thường hay “soi kính lúp” để tìm ra những nhược điểm trong tính cách hay trong sinh hoạt của chồng để bắt bẻ, cật vấn. Điều này khiến các ông chồng khó chịu vô cùng, họ không biết phải làm thế nào thì “mụ vợ” mới vừa lòng.
Hoàn toàn không cần thiết phải so bì tính toán từng cân từng lạng hàng loạt vấn đề không thuộc nguyên tắc tồn tại trong
quan hệ vợ chồng (ở gia đình nào cũng vậy). Hiền lành một chút, mơ hồ một chút, qua loa một chút còn tốt hơn nhiều so với việc ăn miếng trả miếng.
Khi vợ hay chồng mình nói hoặc làm điều gì đó khiến mình không vui thì hãy nghĩ rằng: “Có phải mình có khuyết điểm khiến anh ấy bực mình không?”, “Có phải anh ấy gặp chuyện gì đó không vui ở bên ngoài khiến tâm trạng bị kích động không? Vậy thì có lẽ mình phải nói chuyện và an ủi, động viên anh ấy”, “Có lẽ anh ấy vô ý thôi, mình chẳng để bụng làm gì”, v.v...
4. Phải biết “tự giải thoát”
Nếu trong gia đình xảy ra một sự cố không may ngoài ý muốn, không thể cứu vãn được nữa thì không được dừng lại ở chỗ sầu thảm, ảo não hoặc oán trách, qui kết tội lỗi cho nhau, mà phải “tự giải thoát mình”, tức là hãy nghĩ thoáng rộng ra một chút.
Chẳng hạn, nếu vợ hay chồng lỡ tay làm vỡ chiếc lọ hoa đắt tiền, bạn có thể nghĩ thế này: “Thôi, coi như từ trước tới nay chưa từng có chiếc lọ hoa này trong nhà”, hoặc: “Coi như đã tặng nó cho người khác vậy!”.
Nếu vợ hay chồng mình đi ra ngoài không cẩn thận bị kẻ cướp giật mất điện thoại di động hoặc cướp mất ví tiền, bạn có thể tự an ủi: “Chỉ là của đi thay người. Thế là phúc lớn rồi”.
Kiểu “tự giải thoát” này làm cho sự việc trở nên “hợp lý hóa”, tìm được sự an ủi cho lòng mình, đồng thời giúp cả hai nhanh chóng lấy lại sự cân bằng tâm lý, trở nên bình tĩnh và xử lý vấn đề tỉnh táo, thông minh hơn. Nếu có thể làm được như vậy, hai tấm lòng chắc chắn sẽ quyện chặt với nhau hơn.
5. Khéo léo “xoay chuyển tình thế”
Người chồng hay người vợ không được vừa ý trong công tác, hoặc bị oan ức gì đó trên các phương diện khác thì cả hai bên đều phải khéo léo biết chuyển tâm trạng tiêu cực của mình sang hướng khác, chứ không được trút lên
cuộc sống gia đình và quan hệ vợ chồng.
Có một số người bị oan ức ở bên ngoài, về nhà lấy người bạn đời ra làm chỗ “xả hơi” hoặc “giận cá chém thớt”, điều này sẽ đem lại những hậu quả tệ hại cho
quan hệ vợ chồng.
Gặp trường hợp này, tốt nhất là bạn hãy tâm sự cho vợ hay chồng nghe nỗi oan ức của mình, nói ra hết những điều ấm ức tích tụ trong lòng, hoặc bạn là người lắng nghe, góp ý, an ủi, giúp người kia lấy lại tâm trạng bình tĩnh, hoặc chuyển tâm trạng sang hướng khác như làm một việc gì đó, đọc sách hoặc nói chuyện gẫu... đều là những cách xử lý tốt.